Không cầm trên tay tấm bằng đại học để khởi nghiệp, nhiều bạn trẻ có tư duy và bản lĩnh đã chủ động theo đuổi đam mê đến cùng. Giờ đây, họ trở thành những người dám dẫn đầu thành công.
Giám đốc trung tâm tiếng Anh
Nguyễn Văn Hiệp (1989) sắp hoàn thành chương trình đại học, khoa Kinh tế đối ngoại ở trường ĐH Ngoại thương nhưng quyết định không lấy bằng mà theo đuổi con đường mình đã chọn: mở trung tâm tiếng Anh.
Bạn chia sẻ: “Mình không thích phải làm công ăn lương, gò bó trong 8 tiếng, phải buộc bản thân thích nghi với những tiệc rượu, tiếp khách xã giao. Hiệp muốn được đứng ra kinh doanh riêng nên việc có bằng đại học không phải là điều quan trọng nữa. Tuổi trẻ có gì mất đâu, trắng tay thì bắt đầu lại. Mình tin rằng, cứ làm rồi sẽ có lúc thành công!”.
Mỗi tháng, Hiệp bỏ túi từ 80-120 triệu đồng
Ngay khi quyết định điều này, Hiệp đã bắt tay vào việc thành lập trung tâm tiếng Anh. Tuy trong suốt mấy năm đại học, dù Hiệp đã làm thêm có chút kinh nghiệm nhưng chưa đủ để thực hiện vai trò mới cậu đã đặt ra. Vốn vẻn vẹn có 20 triệu đồng, Hiệp phải lên kế hoạch và tiết kiệm từng chút một. Cậu cũng phải làm rất nhiều việc: đi in quảng cáo, phát tờ rơi, tìm địa điểm học, …
Thất bại cứ liên tiếp đến khiến Hiệp không kịp trở tay khi thời gian đầu vì không có kinh nghiệm chọn giáo viên, địa điểm đã làm mất niềm tin từ học viên. Chán nản, thất vọng nhưng sau mỗi lần như thế, Hiệp vẫn đứng lên và làm lại từ đầu. Học được cách marketing trên mạng xã hội, Hiệp đã khiến cho các bạn trẻ biết và tin tưởng mình hơn nên số lượng học viên của cậu ngày càng tăng.
Mỗi tháng trung tâm của Hiệp mở được 15 – 20 lớp, mỗi lớp 15 học viên. Hiện tại, trung tâm có 50 lớp, gần 20 nhân viên, trợ giảng và gần 20 giáo viên. Thu nhập của Hiệp là 80 – 120 triệu đồng/tháng. Hiệp đặt ra mục tiêu trong 5 – 7 năm tới sẽ mở được 100 cơ sở trên khắp cả nước.
Ông chủ công ty truyện tranh
Nguyễn Vũ Trung Kiên (1984) chưa học qua trường lớp đào tạo chuyên nghiệp đã tự đứng ra thành lập và là giám đốc một công ty sản xuất truyện tranh Việt Nam khá nổi tiếng.
Kiên cho biết ngay từ nhỏ đã rất thích đọc và sưu tầm các tác phẩm truyện tranh. Khi thi trượt một trường đại học về mỹ thuật, tâm trạng của Kiên rất tệ. Chàng giám đốc trẻ chia sẻ: “Lúc trượt đại học, mình thất vọng, buồn chán vì cảm thấy bản thân vô dụng. Điều Kiên sợ nhất không phải là thi trượt mà là làm thất vọng những ai kì vọng mình đỗ. Kiên cũng như phần đông bạn trẻ bây giờ, không biết mình thi vào làm gì, chỉ biết là sẽ làm thứ mình thích, liên quan đến ý tưởng và sáng tạo. Mình cũng muốn tìm tạm trường nào đó cho xong nên khi bố mẹ bảo học trung cấp xây dựng, Kiên đã không phản đối. Quan trọng là sự thấu hiểu bản thân, biết bản thân cần gì, tự khắc biết phải làm gì. Khi Kiên chưa tìm thấy cái mình thích, mình cần, đã không ngại ngại thử và sai không biết bao lần”.
Trung Kiên hiện đnag là giám đốc của một công ty truyện tranh
Học một thời gian, không tìm thấy sự hứng thú nên Kiên đã theo học một lớp ở trung tâm đồ họa và bỏ học ở trường xây dựng. Cậu đã trải qua nhiều công việc khác nhau để có tiền trang trải cuộc sống: làm game, vẽ truyện tranh và đồ hoạ cho các công ty nước ngoài.
Đến năm 2006, Kiên tiếp quản câu lạc bộ (CLB) truyện tranh Việt Nam khi trụ cột của đã chán nản và dần rời đi. Dù biết trước CLB không phải là hình thức hoạt động lâu bền nhưng Kiên vẫn muốn được thử sức mình.
Đứng trước nguy cơ tan rã của CLB này, Kiên đã quyết định thành lập công ty và sản xuất truyện tranh một cách chuyên nghiệp. Khó khăn nhất là năm 2010, phong trào đọc và sáng tác truyện tranh đi xuống, số người bỏ nghề cũng nhiều. Kiên phải đứng ra mở lớp đào tạo nguồn nhân lực, tự tìm thị trường và khuấy động phong trào. Hai năm qua, công ty đã đi vào quỹ đạo.
Kiên cũng đã từng nản lòng, hối hận nhưng vì niềm đam mê, Kiên sẵn sàng đối diện với thất bại."Nhiều lúc mình tự nhủ rằng chúng ta chỉ sống có một lần thôi, khi còn cảm thấy điều gì xứng đáng để làm phải cố gắng hết sức, nếu không già sẽ hối hận.
Kiên thấy rằng bằng cấp, chứng chỉ không phải là thứ quyết định duy nhất. Lúc Kiên làm trong công ty game của Hàn Quốc còn chưa lấy cả cái chứng chỉ của trung tâm đó nữa. Quan trọng là mình có biết làm hay không. Chứng chỉ là để chứng minh năng lực của ai đó nhưng các công ty giờ toàn thi đầu vào test năng lực, phỏng vấn. Khi đó chứng chỉ, bằng cấp cũng không giúp được gì”. - Kiên cho hay.
Những tác phẩm của Kiên và đồng nghiệp đã được ra mắt như: Hà Nội mùa đông năm 1946, Thuận Thiên và mới đây nhất là Next được độc giả trẻ đón nhận nồng nhiệt.
Bartender thành công
Đỗ Hải Nam (1991) đã đến với nghề pha chế như một duyên phận. Đang theo học năm thứ ba trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Nam làm thêm chỉ vì muốn kiếm tiền tiêu vặt nên làm nhân viên phục vụ bàn. Do phải làm vị trí đứng cửa nhàm chán và mệt mỏi nên Nam đã phụ giúp và rửa cốc chén cho các anh pha chế. Dần dần, bạn bị “hút” theo những động tác và ly đồ uống tuyệt vời ấy.
Với tinh thần ham học hỏi, cầu tiến, Nam đã được các nhân viên ở đây chỉ dạy. Và cơ hội đến với Nam khi quản lý nghỉ phép, cậu được tin tưởng giao đứng bar. Cảm giác lần đầu đối mặt với khách hàng khiến Nam khá run sợ và mắc khá nhiều lỗi nhưng vì đã quen mặt Nam tại bar nên khách hàng cũng dễ dàng bỏ qua. Làm một thời gian, công việc bartender trở thành niềm đam mê khiến Nam thực sự muốn theo đuổi. Và cuối cùng bạn đã quyết định dừng việc học tại và phát triển nghề bartender.
Hải Nam từ bỏ Đại học Bách Khoa để quyết theo đuổi niềm đam mê bartender
Nam gặp phải sự phản đối dữ dội từ gia đình vì quyết định táo bạo đó nhưng bạn đã quyết tâm đến cùng. Nam cho biết: “Lúc đó mình đã đấu tranh tư tưởng rất nhiều nhưng hạnh phúc nhất vẫn là khi được làm thứ mình thích”.
Nam chia sẻ, khó khăn nhất của công việc này là phổ biến văn hóa cocktail tới mọi người. Đa số người Việt mình thường nghĩ đến bar như một nơi nhảy nhót với những âm thanh ồn ã náo nhiệt. Ít người phân biệt được bar với vũ trường.
Văn hóa rượu tại nước ta cũng khác nhiều so với phương Tây nên việc khách gọi một ly cocktail cũng rất ít, chủ yếu là bia hoặc rượu. Nghề bartender cũng chưa được có cái nhìn tốt trong mắt mọi người. Tuy vậy ở Sài Gòn đã có những cộng đồng lớn về bartender và văn hóa rượu cũng phát triển khá mạnh nên Nam tin rằng một ngày không xa có thể góp phần nào đó trong việc phát triển nó tại thủ đô Hà Nội – nơi bạn sinh ra.
Gặp nhiều khó khăn vậy, đến giờ Nam vẫn chưa bao giờ hối hận vì quyết định của bản thân lúc đó. Nam nói: “Mình chỉ tiếc vì đã không đi theo con đường này sớm hơn. Ba năm trên ghế nhà trường dạy cho Nam rất nhiều bài học nhưng ba tháng trong quán bar dạy cho mình lẽ sống ở đời”.
Hiện nay, Nam dạy học bartender tại trung tâm truyền thông (từng lên sóng một vài kênh truyền hình vtv6, vtv3, …) đồng thời cũng liên tục được mời tư vấn khởi nghiệp và đào tạo cho khá nhiều nhà hàng, quán bar. Hiện tại, Nam đang chuẩn bị mở một trung tâm riêng cho những bạn có hoàn cảnh và biến nó thành sân chơi của
giới trẻ yêu thích bộ môn nghệ thuật đường phố.
Đăng nhận xét